Về việc xin ý kiến dự thảo Quy chế dân chủ trong hoạt động của UBND phường Hoàng Văn Thụ

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

http://qlvbtp.bacgiang.gov.vn/thanhpho/vbdi.nsf/str/36B2822BC4ED8F8347258AC5000A2470/$file/24.02.24%20CV%20UB%20xin%20ý%20kiến%20quy%20chế%20mẫu_signed_signed.pdf

 

DỰ THẢO QUY CHẾ

thực hiện dân chủ trong hoạt động của Ủy ban nhân dân

phường Hoàng Văn Thụ

 

Căn cứ Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở;

Căn cứ Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;

Căn cứ Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 06/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở,

 

CHƯƠNG I. QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nội dung, cách thức thực hiện dân chủ tại phường, tổ dân phố.

2. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

3. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở phường, tổ dân phố.

4. Công khai thông tin ở phường; Nhân dân bàn và quyết định; Nhân dân tham gia ý kiến; Nhân dân kiểm tra, giám sát; đối thoại lấy ý kiến công dân.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện

1. Bảo đảm quyền của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

2. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

3. Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm trật tự, kỷ cương, không cản trở hoạt động bình thường của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động.

4. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

5. Bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở.

6. Tôn trọng ý kiến đóng góp của Nhân dân, kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của Nhân dân.

Điều 3. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa công dân thực hiện dân chủ ở cơ sở.

2. Bao che, cản trở, trù dập hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; tiết lộ thông tin về người tố cáo, người cung cấp thông tin về hành vi vi phạm có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

3. Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

4. Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để xuyên tạc, vu khống, gây mâu thuẫn, kích động bạo lực, phân biệt vùng, miền, giới tính, tôn giáo, dân tộc, gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức.

5. Giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bàn, quyết định, tham gia ý kiến của công dân.

Điều 4. Xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở

1. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật này, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

4. Việc xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở thực hiện theo quy định của Chính phủ.

 

CHƯƠNG II. CÔNG KHAI THÔNG TIN Ở PHƯỜNG

 

Điều 5. Những nội dung công khai

Trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định của pháp luật, UBND phường Hoàng Văn Thụ công khai các nội dung sau đây:

1. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế hằng năm của cấp xã và kết quả thực hiện

2. Số liệu, báo cáo thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch hoạt động tài chính trình Hội đồng nhân dân phường; dự toán ngân sách, kế hoạch hoạt động tài chính đã được Hội đồng nhân dân phường quyết định; số liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán ngân sách phường định kỳ theo quý, 06 tháng, hằng năm; quyết toán ngân sách nhà nước và kết quả thực hiện các hoạt động tài chính khác đã được Hội đồng nhân dân phường phê chuẩn; kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (nếu có)

3. Dự án, công trình đầu tư trên địa bàn phường và tiến độ thực hiện; kế hoạch thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình đầu tư trên địa bàn phường; kế hoạch quản lý, sử dụng quỹ đất do phường quản lý; kế hoạch cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của phường.

4. Quy chế thực hiện dân chủ ở phường; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp tổ dân phố; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương.

5. Việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với địa bàn; các khoản huy động Nhân dân đóng góp

6. Tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công do phường quản lý; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công của chính quyền địa phương.

7. Chủ trương, chính sách, kế hoạch, tiêu chí, đối tượng, quy trình bình xét và kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ, trợ cấp, tín dụng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế và các chính sách an sinh xã hội khác được tổ chức triển khai trên địa bàn phường

8. Thông tin về phạm vi, đối tượng, cách thức bình xét, xác định đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian, thủ tục thực hiện phân phối các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thảm họa hoặc để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn; việc quản lý, sử dụng các nguồn đóng góp, quyên góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài dành cho các đối tượng trên địa bàn.

9. Số lượng, đối tượng, tiêu chuẩn gọi nhập ngũ; danh sách công dân đủ điều kiện nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; danh sách công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; danh sách tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ trên địa bàn phường

10. Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở phường, ở tổ dân phố; kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Trưởng ban của HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên UBND phường.

11. Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân, nội dung lấy ý kiến, kết quả tổng hợp ý kiến và giải trình, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với những nội dung chính quyền địa phương phường đưa ra lấy ý kiến Nhân dân, bao gồm:

a) Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của phường; phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; đề án định canh, định cư, vùng kinh tế mới và phương án phát triển ngành, nghề của phường.

b) Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và phương án điều chỉnh; việc quản lý, sử dụng quỹ đất được giao cho Ủy ban nhân dân phường quản lý.

c) Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân về chủ trương, chính sách đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án di dân, tái định canh, định cư đối với việc quyết định đầu tư công dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án có quy mô di dân, tái định canh, định cư lớn, dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, dự án có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án

d) Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính; dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, đặt tên, đổi tên tổ dân phố, ghép cụm dân cư

e) Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân phường có liên quan đến lợi ích cộng đồng, bao gồm quyết định ban hành hoặc phê duyệt chương trình, kế hoạch, dự án, đề án có nội dung tác động đến môi trường, sức khỏe của cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội và những vấn đề khác có ảnh hưởng đến cộng đồng

f) Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng, dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng và quy hoạch chung xây dựng phường.

g) Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo quy chế về thực hiện dân chủ ở phường; dự thảo quy chế thực hiện dân chủ trong từng lĩnh vực, nội dung hoạt động cụ thể ở phường (nếu có)

h) Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ hoặc làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành là công dân trên địa bàn phường

i) Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân về các nội dung khác theo quy định của pháp luật, quy chế thực hiện dân chủ ở phường, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chính quyền phường thấy cần lấy ý kiến

12. Đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền địa phương phường trực tiếp thu

13. Các thủ tục hành chính, thủ tục giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân do chính quyền địa phương trực tiếp thực hiện

14. Nội dung khác theo quy định của pháp luật và quy chế thực hiện dân chủ ở phường.

(Có phụ lục các nội dung công khai kèm theo)

Điều 6. Hình thức và thời điểm công khai thông tin

1. Các hình thức công khai bắt buộc

a) Niêm yết thông tin, bao gồm các hình thức sau:

- Niêm yết thường xuyên, 2 nơi, địa điểm niêm yết: Trụ sở HĐND, UBND phường; nhà văn hóa, các điểm sinh hoạt cộng đồng ở tổ dân phố

- Niêm yết thường xuyên, 1 nơi, địa điểm niêm yết: Trụ sở HĐND, UBND phường

- Niêm yết 30 ngày[1], 1 nơi, địa điểm niêm yết: Trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phường

b) Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử.

- Cổng thông tin của UBND phường:

https://hoangvanthu.tpbacgiang.bacgiang.gov.vn/

- Cổng thông tin của UBND thành phố:

https://tpbacgiang.bacgiang.gov.vn/trang-chu

- Cổng thông tin của UBND tỉnh Bắc Giang: www.bacgiang.gov.vn

- Cổng thông tin quy chế dân chủ tỉnh Bắc Giang: qcdc.bacgiang.gov.vn

c) Phát tin trên hệ thống truyền thanh phường

- Thời gian công khai trên hệ thống truyền thanh của phường: 03 ngày liên tục

d) Thông qua Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến công dân

- Thông báo tại cuộc họp của cộng đồng dân cư, cuộc họp, sinh hoạt của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức, đoàn thể khác ở tổ dân phố

- Thông báo trực tiếp hoặc gửi văn bản thông báo đến từng hộ gia đình

- Thông qua tin nhắn nhóm zalo tổ dân vận cộng đồng.

2. Các hình thức công khai khác (tùy từng trường hợp)

- Gửi văn bản đến công dân;

- Thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa HĐND, UBND phường với Nhân dân;

- Thông qua việc tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của Ủy ban nhân dân phường theo quy định của pháp luật;

- Thông báo đến tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức, đoàn thể cùng cấp khác để tổ chức phổ biến, tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên ở cơ sở;

- Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp phường, tổ dân phố.

- Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

3. Thời điểm công khai thông tin đối với từng lĩnh vực được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp pháp luật chưa có quy định thì chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền về nội dung cần công khai, Ủy ban nhân dân phường phải tổ chức công khai thông tin.

Điều 7. Trình tự tổ chức thực hiện các nội dung công khai

1. UBND phường ban hành kế hoạch thực hiện công khai thông tin vào tháng 1 hàng năm[2].

2. Chủ tịch UBND phường chịu trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức thực hiện kế hoạch đã được UBND phường thông qua; kiểm tra, đôn đốc và báo cáo UBND về kết quả thực hiện.

3. UBND phường báo cáo kết quả thực hiện các nội dung công khai thông tin tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thường lệ gần nhất, đồng thời gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để giám sát.

4. Đối với các nội dung công khai phát sinh không có trong Kế hoạch công khai thông tin từ đầu năm, UBND phường xây dựng Kế hoạch công khai thông tin cho nội dung phát sinh (trong đó nêu rõ cách thức triển khai thực hiện, thời gian thực hiện và trách nhiệm tổ chức thực hiện).

Điều 8. Hồ sơ công khai: UBND phường có trách nhiệm chỉ đạo việc lập và lưu hồ sơ công khai thông tin, bao gồm các văn bản sau:

1. Kế hoạch thực hiện công khai thông tin của UBND phường ) năm ...... (mẫu 01)

2. Kế hoạch công khai thông tin đối với công việc, hoạt động cụ thể (chưa được nêu trong Kế hoạch thực hiện công khai phát hành từ đầu năm)

3. Biên bản niêm yết tại Bản tin công khai của UBND phường

4. Biên bản niêm yết tại Bản tin công khai ở nhà văn hóa và các điểm sinh hoạt cộng đồng ở tổ dân phố.

5. Báo cáo kết quả phát tin, bài về công khai thông tin của Đài truyền thanh phường

6. Biên bản kết thúc công khai thông tin (bao gồm các hình thức đã công khai, căn cứ thực tiễn có thể lập chung hoặc tách riêng từng biên bản đối với mỗi hình thức công khai)

7. Báo cáo kết quả thực hiện các nội dung công khai của UBND phường trình tại các kỳ họp HĐND cùng cấp.

 

CHƯƠNG III. NHÂN DÂN BÀN VÀ QUYẾT ĐỊNH

Điều 9. Những nội dung Nhân dân bàn và quyết định

1. Chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trong phạm vi địa bàn cấp xã, ở thôn, tổ dân phố do Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, tài sản, công sức.

2. Việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân tại cộng đồng dân cư ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; việc thu, chi, quản lý các khoản kinh phí, tài sản do cộng đồng dân cư được giao quản lý hoặc được tiếp nhận từ các nguồn thu, tài trợ, ủng hộ hợp pháp khác.

3. Nội dung hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

4. Bầu, cho thôi làm Tổ trưởng tổ dân phố.

5. Bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

6. Các công việc tự quản khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội.

Điều 10. Hình thức Nhân dân bàn và quyết định

1. Tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư:

a) Nội dung

- Nội dung hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

- Bầu, cho thôi làm Tổ trưởng tổ dân phố.

- Bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

b) Thẩm quyền tổ chức

- Cuộc họp của cộng đồng dân cư do Tổ trưởng tổ dân phố triệu tập và chủ trì tổ chức.

+ Trường hợp cuộc họp để bầu Tổ trưởng tổ dân phố: Tổ bầu cử (do Chủ tịch UBND phường quyết định thành lập).

+ Trường hợp cho thôi làm Tổ trưởng tổ dân phố: Trưởng Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố triệu tập và chủ trì.

+ Trường hợp khuyết Tổ trưởng tổ dân phố: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường chỉ định đại diện Ban công tác Mặt trận ở tổ dân phố hoặc triệu tập viên là công dân có uy tín cư trú tại tổ dân phố đó để triệu tập và tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư.

+ Tổ trưởng tổ dân phố có thể ủy quyền cho thành viên Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố hoặc một công dân có uy tín cư trú tại cụm dân cư chủ trì, điều hành cuộc họp của cụm dân cư và báo cáo kết quả với Tổ trưởng tổ dân phố để tổng hợp vào kết quả chung của toàn tổ dân phố.

- Thành phần tham dự: Tổ trưởng tổ dân phố, Ban công tác Mặt trận ở tổ dân phố, đại diện các hộ gia đình trong tổ dân phố.

- Trường hợp tổ dân phố có từ 200 hộ gia đình trở lên hoặc có địa bàn dân cư sinh sống không tập trung thì có thể tổ chức các cuộc họp theo từng cụm dân cư.

- Thông tin về cuộc họp của cộng đồng dân cư được niêm yết công khai tại nhà văn hóa, các điểm sinh hoạt động đồng của tổ dân phố và được thông báo đến thành phần tham dự ít nhất 02 ngày trước khi tổ chức cuộc họp bằng một trong các hình thức:

+ Giấy mời

+ Thông báo trực tiếp đến từng hộ gia đình

+ Qua hệ thống truyền thanh

+ Các ứng dụng mạng xã hội hoạt động hợp pháp.

c) Trình tự tổ chức

- Người chủ trì cuộc họp tuyên bố lý do, nêu mục đích, yêu cầu, nội dung cuộc họp; giới thiệu người để cuộc họp biểu quyết cử làm thư ký;

- Người chủ trì cuộc họp trình bày những nội dung đưa ra để xem xét, thảo luận tại cuộc họp;

- Những người tham gia cuộc họp thảo luận;

- Người chủ trì cuộc họp tổng hợp chung các ý kiến thảo luận tại cuộc họp; đề xuất các nội dung và phương án biểu quyết đối với các nội dung đã được thảo luận. Việc biểu quyết được thực hiện bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do các thành viên tham dự cuộc họp quyết định. Trường hợp bỏ phiếu kín thì cuộc họp bầu ra Ban kiểm phiếu để thực hiện việc tổ chức bỏ phiếu kín;

- Người chủ trì cuộc họp công bố kết quả biểu quyết và kết luận cuộc họp.

2. Phát phiếu lấy ý kiến của từng hộ gia đình

a) Các trường hợp tổ chức phát phiếu lấy ý kiến

- Chủ tịch UBND phường quyết định lựa chọn hình thức phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình đối với nội dung có phạm vi thực hiện trong địa bàn phường.

- Cộng đồng dân cư đã tổ chức cuộc họp mà không có đủ đại diện của số hộ gia đình tham dự để có thể đạt tỷ lệ biểu quyết tán thành tối thiểu theo quy định.

- Tổ trưởng tổ dân phố sau khi đã thống nhất với Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố quyết định tổ chức phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình đối với các công việc tự quản khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội có phạm vi thực hiện trong thôn, tổ dân phố.

b) Trình tự thực hiện

- Tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận ở tổ dân phố xây dựng kế hoạch tổ chức phát phiếu lấy ý kiến; thành lập Tổ phát phiếu lấy ý kiến có từ 03 đến 05 thành viên và công khai thông tin đến Nhân dân ở thôn, tổ dân phố về nội dung lấy ý kiến, thời điểm, thời hạn lấy ý kiến, thành phần Tổ phát phiếu lấy ý kiến chậm nhất là 02 ngày trước ngày thực hiện việc phát phiếu lấy ý kiến.

- Mỗi hộ gia đình được phát 01 phiếu lấy ý kiến. Tổ phát phiếu có nhiệm vụ gửi phiếu lấy ý kiến trực tiếp đến từng hộ gia đình, tổ chức thu phiếu theo đúng thời hạn đã được xác định và tổng hợp đầy đủ, khách quan kết quả phiếu lấy ý kiến.

3. Biểu quyết trực tuyến phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và được cộng đồng dân cư thống nhất lựa chọn

a) Nội dung: Các công việc tự quản khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội.

b) Điều kiện tổ chức: Đại diện các hộ gia đình có thiết bị điện tử hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet.

c) Công tác chuẩn bị:

- Tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với Ban công tác Mặt trận ở tổ dân phố báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường trước khi thực hiện.

- Tổ trưởng tổ dân phố thành lập Tổ lấy ý kiến biểu quyết trực tuyến từ 03 đến 05 người gồm: đại diện tổ dân phố, Ban công tác Mặt trận ở tổ dân phố, đại diện hộ gia đình và người sử dụng thành thạo về ứng dụng công nghệ thông tin tham gia tổ chức biểu quyết trực tuyến. Tổ trưởng Tổ lấy ý kiến biểu quyết trực tuyến là đại diện Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố.

- Tổ lấy ý kiến biểu quyết trực tuyến lựa chọn mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật để tạo nhóm mạng xã hội của tổ dân phố và mời đại diện hộ gia đình tham gia; tạo bình chọn trong nhóm mạng xã hội của tổ dân phố để lấy ý kiến của đại diện hộ gia đình về hình thức biểu quyết trực tuyến.

Thông tin của đại diện hộ gia đình tham gia nhóm mạng xã hội của tổ dân phố gồm: Họ và tên, địa chỉ thường trú.

Việc tổ chức biểu quyết trực tuyến được thực hiện khi có trên 50% tổng số đại diện hộ gia đình trong tổ dân phố lựa chọn đồng ý bằng hình thức biểu quyết trực tuyến.

- Tổ lấy ý kiến biểu quyết trực tuyến tạo nội dung bình chọn gồm: Nội dung biểu quyết, hình thức biểu quyết (đồng ý, không đồng ý và ý kiến khác). Nội dung bình chọn phải ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ thao tác.

Điều 11. Đề xuất nội dung để Nhân dân bàn và quyết định

1. Thẩm quyền lựa chọn hình thức để nhân dân bàn và quyết định

- Các nội dung có phạm vi thực hiện trong địa bàn: Chủ tịch UBND phường thống nhất với Chủ tịch UBMTTQ cùng cấp quyết định lựa chọn.

- Các nội dung có phạm vi thực hiện trong tổ dân phố: Tổ trưởng dân phố thống nhất với trưởng ban công tác mặt trận quyết định.

- Trường hợp sáng kiến của công dân có trên 10% tổng số hộ gia đình tại thôn, tổ dân phố đồng thuận hoặc chưa có đủ 10% tổng số hộ gia đình đồng thuận nhưng xét thấy có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư và được Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố tán thành thì gửi đề xuất đến Tổ trưởng tổ dân phố để đưa ra cộng đồng dân cư bàn và quyết định.

Ý kiến đồng thuận với sáng kiến của công dân có giá trị trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày thể hiện ý kiến.

2. Quyết định của cộng đồng dân cư

2.1. Quyết định của cộng đồng dân cư được thể hiện bằng văn bản dưới hình thức nghị quyết, biên bản cuộc họp, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận của cộng đồng dân cư

2.2. Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày cộng đồng dân cư tổ chức họp biểu quyết hoặc kể từ ngày kết thúc thời hạn lấy ý kiến bằng phiếu, biểu quyết trực tuyến, quyết định đã được cộng đồng dân cư biểu quyết thông qua phải được gửi đến Ủy ban nhân dân phường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường.

2.3. Hiệu lực của quyết định của cộng đồng dân cư:

- Trường hợp có từ hai phần ba tổng số đại diện hộ gia đình trở lên trong thôn, tổ dân phố hoặc có từ hai phần ba tổng số tổ dân phố trở lên tán thành thì có giá trị thi hành đối với những nội dung:

+ Chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trong phạm vi địa bàn phường, tổ dân phố do Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, tài sản, công sức.

+ Việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân tại cộng đồng dân cư ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; việc thu, chi, quản lý các khoản kinh phí, tài sản do cộng đồng dân cư được giao quản lý hoặc được tiếp nhận từ các nguồn thu, tài trợ, ủng hộ hợp pháp khác.

- Trường hợp có trên 50% tổng số đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành thì có giá trị thi hành đối với những nội dung:

+ Nội dung hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

+ Bầu, cho thôi làm Tổ trưởng tổ dân phố.

+ Bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

+ Các công việc tự quản khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội.

- Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của cộng đồng dân cư, Ủy ban nhân dân phường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường phải ban hành quyết định công nhận; trường hợp không công nhận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2.4. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ quyết định của cộng đồng dân cư khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Có nội dung trái với quy định của pháp luật, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội;

- Không tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục thông qua văn bản của
cộng đồng dân cư theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan

- Cộng đồng dân cư thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ.

3. Trách nhiệm trong việc tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định và thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư

3.1. Ủy ban nhân dân phường

 - Lập kế hoạch tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định và tổ chức thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư thuộc phạm vi phường.

- Kiểm tra, theo dõi việc tổ chức thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư có phạm vi thực hiện trong tổ dân phố.

- Tổng hợp, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về việc tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định các nội dung có phạm vi thực hiện trong địa bàn cấp xã tại kỳ họp thường lệ gần nhất, đồng thời gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để giám sát.

3.2. Tổ trưởng tổ dân phố

- Công khai kết quả biểu quyết hoặc kết quả tổng hợp phiếu lấy ý kiến của Nhân dân tại tổ dân phố.

- Tổ chức thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư có phạm vi thực hiện trong tổ dân phố.

- Báo cáo kết quả thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư đến Nhân dân ở thôn, tổ dân phố và đến Ủy ban nhân dân phường. 

3.3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường: Hướng dẫn, giám sát việc tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định và thực hiện các nội dung Nhân dân bàn, quyết định.

3.4 Trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia bàn, quyết định các nội dung, công việc ở cơ sở

- Công dân, hộ gia đình tích cực quan tâm đến công việc chung của cộng đồng dân cư; có trách nhiệm tham gia hoặc cử đại diện hộ gia đình tham gia họp bàn, thảo luận, quyết định các nội dung có phạm vi thực hiện trong tổ dân phố, trong địa bàn phường; thực hiện nghiêm túc các nội dung thuộc trách nhiệm đã được cộng đồng dân cư quyết định.

- Đại diện hộ gia đình có trách nhiệm tham dự các cuộc họp của cộng đồng dân cư; tập hợp, nắm bắt ý kiến chung của các thành viên hộ gia đình để phản ánh, tham gia thảo luận tại cuộc họp hoặc thể hiện trên phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình; phổ biến, truyền đạt lại cho các thành viên hộ gia đình về kết quả bàn, thảo luận, quyết định của cộng đồng dân cư. Trường hợp thành viên hộ gia đình có ý kiến khác với ý kiến của đại diện hộ gia đình thì được đăng ký tham dự cuộc họp của cộng đồng dân cư để thể hiện ý kiến, quan điểm của mình tại cuộc họp.

- Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở phường, tổ dân phố có trách nhiệm tích cực, gương mẫu tham gia bàn và quyết định các nội dung có phạm vi thực hiện trong tổ dân phố, trong địa bàn phường; có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc và tuyên truyền, hướng dẫn, vận động gia đình và các thành viên trong cộng đồng thực hiện các quyết định của cộng đồng dân cư.

- Trường hợp nhận thấy quyết định của cộng đồng dân cư không bảo đảm trình tự, thủ tục hoặc có nội dung trái với quy định của pháp luật, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội thì công dân có quyền kiến nghị, phản ánh đến Ủy ban nhân dân phường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường và Ban Thanh tra nhân dân.

Điều 12. Hồ sơ Nhân dân bàn và quyết định

1. Biên bản kiểm phiếu tại cuộc họp của cộng đồng dân cư

2. Nghị quyết/Biên bản cuộc họp của cộng đồng dân cư (theo mẫu)

3. Biên bản kiểm phiếu về việc phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình

 

CHƯƠNG IV. NHÂN DÂN THAM GIA Ý KIẾN

 

Điều 13. Nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định

1. Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của phường; phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; đề án định canh, định cư, vùng kinh tế mới và phương án phát triển ngành, nghề của phường.

2. Dự thảo quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và phương án điều chỉnh; việc quản lý, sử dụng quỹ đất được giao cho Ủy ban nhân dân phường quản lý.

3. Chủ trương, chính sách đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án di dân, tái định canh, định cư đối với việc quyết định đầu tư công dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án có quy mô di dân, tái định canh, định cư lớn, dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, dự án có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án. 

4. Dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính; dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, đặt tên, đổi tên tổ dân phố, ghép cụm dân cư.

5. Dự thảo quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân phường có liên quan đến lợi ích cộng đồng, bao gồm quyết định ban hành hoặc phê duyệt chương trình, kế hoạch, dự án, đề án có nội dung tác động đến môi trường, sức khỏe của cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội và những vấn đề khác có ảnh hưởng đến cộng đồng.

6. Dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng, dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng và quy hoạch chung xây dựng phường.

7. Dự thảo quy chế về thực hiện dân chủ ở phường; dự thảo quy chế thực hiện dân chủ trong từng lĩnh vực, nội dung hoạt động cụ thể ở phường (nếu có).

8. Dự thảo quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ hoặc làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành là công dân trên địa bàn phường.

9. Các nội dung khác theo quy định của pháp luật, quy chế thực hiện dân chủ ở phường theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chính quyền phường thấy cần lấy ý kiến.

Điều 14. Các hình thức lấy ý kiến Nhân dân

a) Hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân phường với Nhân dân;

b) Tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư;

c) Phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình;

d) Thông qua hòm thư­ góp ý, đường dây nóng (nếu có);

đ) Thông qua Ban công tác Mặt trận ở tổ dân phố và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở;

e) Thông qua cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương phường;

g) Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại phường, tổ dân phố;

Điều 15. Trình tự, thẩm quyền tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến

1. Ủy ban nhân dân phường:

- Lập kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và gửi đến HĐND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường.

- Công khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân thông qua các hình thức Niêm yết 2 nơi, đăng tải trên cổng thông tin, Loa truyền thanh, Thông qua tổ dân phố. Thời gian công khai: 30 ngày.

- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức thực hiện kế hoạch đã được thông qua trong thời gian ít nhất 20 ngày kể từ ngày công khai nội dung lấy ý kiến.

- Chủ tịch UBND phường chịu trách nhiệm chỉ đạo việc tiếp nhận, tổng hợp ý kiến, thông tin phản hồi của Nhân dân; nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của Nhân dân.

- Tổng hợp, báo cáo HĐND cùng cấp về quá trình và kết quả thực hiện các nội dung đưa ra lấy ý kiến nhân dân tại kỳ họp gần nhất của HĐND, đồng thời gửi đến Ủy ban mặt trận Tổ quốc cùng cấp để giám sát.

- Đối với những nội dung do cơ quan có thẩm quyền giao cho chính quyền địa phương đưa ra lấy ý kiến Nhân dân:

+ Ủy ban nhân dân phường có trách nhiệm tổng hợp ý kiến và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về kết quả lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn.

 + Nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến của Nhân dân phải được gửi đến Ủy ban nhân dân phường để thực hiện việc công khai thông tin đến Nhân dân.

2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường:

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân phường trong việc thực hiện kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân trên địa bàn.

- Trực tiếp hướng dẫn, thực hiện việc tổ chức lấy kiến Nhân dân đối với những nội dung thuộc trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định.

- Giám sát việc lập và tổ chức thực hiện kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn; việc tổ chức đối thoại, lấy ý kiến trong trường hợp Ủy ban nhân dân phường ban hành quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ hoặc làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành và quá trình, kết quả giải trình, tiếp thu và tổ chức thực hiện các nội dung Nhân dân tham gia ý kiến.

Điều 16. Hồ sơ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân

1. Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân (theo mẫu)

2. Báo cáo kết quả tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và giải trình

 

CHƯƠNG V. TỔ CHỨC ĐỐI THOẠI, LẤY Ý KIẾN CÔNG DÂN

 

Điều 17. Nội dung tổ chức đối thoại, lấy ý kiến Nhân dân

Dự thảo quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ hoặc làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của công dân là đối tượng thi hành, trừ quyết định hành chính có nội dung thuộc bí mật nhà nước và quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Đối tượng, hình thức tổ chức đối thoại, lấy ý kiến Nhân dân

1. Ủy ban nhân dân phường có trách nhiệm thông tin và tạo điều kiện để công dân là đối tượng thi hành quyết định hành chính được biết và trình bày ý kiến nếu người đó có yêu cầu. Công dân là đối tượng thi hành quyết định hành chính có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người đại diện trình bày ý kiến.

2. Trường hợp quyết định hành chính áp dụng đối với nhiều đối tượng hoặc khi xét thấy cần thiết, thì Ủy ban nhân dân phường có thể tổ chức cuộc họp đối thoại, lấy ý kiến trực tiếp của các công dân là đối tượng thi hành quyết định.

Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp phường Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện Ban Thanh tra nhân dân phường và các công dân là đối tượng thi hành quyết định hành chính.

Điều 19. Hồ sơ trình ký ban hành quyết định hành chính

1. Giấy mời công dân làm việc/ Giấy mời dự họp đối thoại.

2. Biên bản làm việc với công dân/ Biên bản cuộc họp đối thoại

3. Báo cáo tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của công dân là đối tượng thi hành, ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

4. Dự thảo quyết định hành chính

5. Quyết định hành chính ban hành

 

CHƯƠNG VI. NHÂN DÂN KIỂM TRA, GIÁM SÁT

 

Điều 20. Nội dung nhân dân kiểm tra, giám sát

1. Nội dung kiểm tra: Việc thực hiện các nội dung mà Nhân dân đã bàn và quyết định.

2. Nội dung giám sát: Việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền địa phương, cán bộ, công chức phường, người hoạt động không chuyên trách ở phường, tổ dân phố.

Điều 21. Hình thức kiểm tra, giám sát

1. Kiểm tra, giám sát trực tiếp

a) Hoạt động lao động, sản xuất, học tập, công tác, sinh hoạt của công dân ở cộng đồng dân cư

b) Quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với cán bộ, công chức phường, người hoạt động không chuyên trách ở phường, tổ dân phố và người dân ở cộng đồng dân cư

c) Tiếp cận các thông tin được công khai; các thông tin, báo cáo của chính quyền địa phương, cán bộ, công chức phường, người hoạt động không chuyên trách ở cấp phường, tổ dân phố, cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quản lý hoặc thực hiện các nội dung Nhân dân đã bàn và quyết định

d) Tham dự hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân phường với Nhân dân, hội nghị tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp công dân; hội nghị định kỳ và các cuộc họp khác của cộng đồng dân cư

2. Kiểm tra, giám sát gián tiếp

Thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thanh tra nhân dân ở phường, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và các tổ chức tự quản khác ở địa phương được thành lập theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Thiết lập công cụ hỗ trợ việc kiểm tra, giám sát của Nhân dân

UBND phườngcó trách nhiệm tạo lập và bảo đảm vận hành ổn định, thường xuyên hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của Nhân dân, tiếp nhận góp ý, kiến nghị, phản ánh để người dân có thể trực tiếp bày tỏ thái độ, sự đánh giá, nhận xét đối với hoạt động của chính quyền địa phương và của cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính, giải quyết công việc của công dân

1. Duy trì hòm thư góp ý để tiếp nhận góp ý, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân.

2. Xây dựng hòm thư điện tử tiếp nhận góp ý, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân

3. Thông báo và công khai số điện thoại của lãnh đạo, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính và Thông báo số điện thoại đường dây nóng[3]

4. Lắp đặt thiết bị điện tử tại bộ phận một cửa, để người dân có thể trực tiếp bày tỏ thái độ, sự đánh giá, nhận xét đối với hoạt động của chính quyền địa phương và của cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính, giải quyết công việc của công dân

5. Tổ chức các cuộc khảo sát, lấy ý kiến sự hài lòng của Nhân dân đối với sự phục vụ của công chức, chính quyền phường.

Điều 23. Trình tự, thẩm quyền trong việc bảo đảm để Nhân dân thực hiện kiểm tra, giám sát 

1. Chính quyền địa phương, cán bộ, công chức phường, Tổ trưởng tổ dân phố, Ban công tác Mặt trận ở tổ dân phố, các tổ chức, đoàn thể, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ chức tự quản khác ở địa phương được thành lập theo quy định của pháp luật có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo thẩm quyền hoặc thực hiện việc kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân phường:

a) Xem xét, giải quyết, giải trình và trả lời kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc báo cáo, chuyển thông tin đến cơ quan có thẩm quyền đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;

b) Tạo điều kiện và bảo đảm để Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và các tổ chức tự quản khác của Nhân dân ở địa phương thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật;

c) Xử lý người có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hoặc người có hành vi trả thù, trù dập người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Hồ sơ Nhân dân kiểm tra, giám sát

1. Quy trình tiếp nhận phản ánh, kiến nghị; xem xét, giải quyết, giải trình và trả lời kiến nghị, phản ánh của công dân, kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và các tổ chức tự quản khác của Nhân dân ở địa phương.

2. Hồ sơ của Ban thanh tra Nhân dân: Quy chế hoạt động của Ban thanh tra Nhân dân, Kế hoạch công tác năm, biên bản các cuộc làm việc, văn bản kiến nghị và Báo cáo kết quả công tác năm.

3. Hồ sơ của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng: Quy chế hoạt động của Ban thanh tra Nhân dân, Kế hoạch công tác năm, biên bản các cuộc làm việc, văn bản kiến nghị và Báo cáo kết quả công tác năm (nếu có).

4. Báo cáo kết quả tiếp nhận phản ánh, kiến nghị; xem xét, giải quyết, giải trình và trả lời kiến nghị, phản ánh của UBND phường hàng năm.

 

Phần thứ ba. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 25. Phối hợp thực hiện

1. Đề nghị Ban Chỉ đạo Quy chế thực hiện dân chủ phường:

a) Tham mưu giúp Đảng ủy lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn thể cơ quan phường tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này.

b) Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế này.

2. Đề nghị các đoàn thể cơ quan phường:

a) Phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu và thực hiện các quy định của pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và Quy chế này.

b) Tiếp nhận, tổng hợp khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, kịp thời gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết; theo dõi, giám sát quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân.

c) Tham gia giám sát việc thực hiện Quy chế này.

Điều 26. Điều khoản thi hành

1. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phường; các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quy chế này.

2. Chủ tịch UBND phườngchỉ đạo công khai Quy chế này bằng các hình thức sau đây:

- Niêm yết thường xuyên tại Bản tin công khai của UBND phường và Bản tin công khai ở nhà văn hóa và các điểm sinh hoạt cộng đồng ở tổ dân phố.

- Đăng tải trên phần mềm quản trị thông tin quy chế dân chủ.

- Công khai thông tin về Quy chế này trên hệ thống truyền thanh của phường trong thời hạn ít nhất là 03 ngày liên tục, kể từ ngày ký ban hành Quy chế.

- Quy chế này được công khai gửi đến Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến Nhân dân bằng các hình thức: Gửi vào nhóm zalo của Tổ dân vận cộng đồng, thông báo tại cuộc họp của cộng đồng dân cư, cuộc họp, sinh hoạt của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức, đoàn thể khác ở tổ dân phố.

3. Giao công chức Văn phòng- thống kê phường chịu trách nhiệm tham mưu cho chủ tịch UBND triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế này; phụ trách "Hệ thống quản trị thông tin quy chế dân chủ". Định kỳ hàng năm tham mưu báo cáo đảng ủy và Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ phường./.


[1] Niêm yết thông tin ít nhất là 30 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết

[2] UBND phường có trách nhiệm lập, thông qua kế hoạch thực hiện những nội dung công khai, trong đó nêu rõ cách thức triển khai thực hiện, thời gian thực hiện và trách nhiệm tổ chức thực hiện.

[3] Các hình thức: (gọi điện tới....; nhắn tin tới....; gửi thư tới......@.........com.)

 

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 20,213
Tổng số trong ngày: 36
Tổng số trong tuần: 35
Tổng số trong tháng: 1,582
Tổng số trong năm: 10,352
Tổng số truy cập: 70,453